NDĐT - Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, đặc biệt là sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố không đủ tiêu chí và đến nay đã mang lại kết quả bước đầu, được nhân dân đồng thuận, tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, cần có giải pháp sử dụng hiệu quả nhà văn hóa thôn, xóm bị thừa sau sáp nhập nhằm tránh lãng phí.
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên phát triển vùng sản xuất ngô hàng hóa. |
au khi Đảng, Nhà nước có chủ trương, nghị quyết về tinh giảm bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thôn, xóm, tổ dân phố không đủ tiêu chí về dân số, diện tích, thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã sáp nhập bốn đơn vị hành chính cấp xã ở TP Sông Công và huyện Định Hóa, giảm hai đơn vị hành chính cấp xã.
Đặc biệt, sáp nhận thôn, xóm, tổ dân phố với số lượng lớn đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình là ở xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ đã giảm từ 13 xóm còn bảy xóm. Sau khi sáp nhập xóm, xã Hóa Trung đã xây dựng được cộng đồng dân cư gắn kết, thống nhất, phát triển toàn diện, chọn được những cán bộ xóm có tín nhiệm và tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời, giảm được tổng số 78 cán bộ xóm, cán bộ đoàn thể, một năm ngân sách tiết kiệm được 392 triệu đồng chi cho phụ cấp, hỗ trợ.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã sáp nhập 1.294 thôn, xóm, tổ dân phố để thành lập 598 thôn, xóm, tổ dân phố mới, qua đó giảm 696 thôn, xóm, tổ dân phố, mỗi năm tiết kiệm chi hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, giảm gần 700 thôn, xóm, tổ dân phố thì cũng có nghĩa là thừa gần 700 nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở. Những năm trước đây, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ, nhân dân địa phương đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng các nhà văn hóa này với tổng số vốn đầu tư vài trăm triệu đồng/nhà văn hóa; có nhà văn hóa vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, nay bị thừa, không sử dụng đến là rất lãng phí.
Trong khi đó, khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố thì số hộ dân tăng lên, quy mô nhà văn hóa của xóm mới lại quá bé, không đủ chỗ ngồi, khi có sinh hoạt xóm thì rất nhiều người dân phải đứng. Vừa thừa, vừa thiếu nhà văn hóa xóm đang là thực trạng ở Thái Nguyên.
Giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao (thị xã Phổ Yên) Trần Văn Toan cho rằng, đang rất vướng mắc. Vì nếu cơi nới, sửa chữa công trình cũ thì không đồng bộ về thiết kế, còn nếu xây mới rất tốn kém. Trước đây, để có một công trình nhà văn hóa đạt chuẩn, bà con đã phải đóng góp số tiền khá lớn, giờ lại vận động đóng góp làm công trình khác không dễ, nhất là ở nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Làm gì để sử dụng hiệu quả nhà văn hóa thừa, tránh lãng phí và sau khi sáp nhập nhà văn hóa cũ không đáp ứng yêu cầu vì quá nhỏ đang là bài toán chưa có lời giải ở Thái Nguyên.
Nhận xét
Đăng nhận xét